Võ Bình Định thành di sản văn hóa quốc gia

Tối 1/8, tại lễ khai mạc Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam lần thứ 5, Bộ Văn hóa thể thao & Du lịch công bố võ cổ truyền Bình Định là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 


1-8-Anh-1-Vo-co-truyen-4498-1406910608.j
Lễ rước bằng công nhận võ cổ truyền Bình Định thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tối 1/8. Ảnh: Trí Tín.
Võ cổ truyền Bình Định gắn liền với những cột mốc quan trọng từ vương triều Chămpa, đến Đại Việt, thời Tây Sơn, nhà Nguyễn, thời kỳ kháng chiến giành độc lập, giải phóng đất nước đến nay.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa thể thao & Du lịch Bình Định cho biết, trải qua thăng trầm lịch sử, Bình Định hội tụ được các dòng võ thuật khác nhau vừa có đặc trưng độc đáo riêng hiếm dòng võ nào có được.
Các thế hệ học võ cổ truyền ở Bình Định xưa nay đều được truyền dạy thấm nhuần võ đạo, đề cao việc rèn luyện đạo đức, tinh thần trượng nghĩa giúp đời. Thời kỳ Tây Sơn, người học võ ở Bình Định được tập hợp để cùng nhau đạt đến cao trào trong ý nghĩa quật cường và chính khí. Sự xuất hiện của hàng loạt võ nhân xuất sắc ở cương vị tướng lĩnh lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn đã lập nên những chiến công vang dội lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Thời Cần Vương, nhiều quan văn người Bình Định khi cần đều có thể sử dụng võ thuật cứu nước như Đào Doãn Địch, Mai Xuân Thưởng, Lê Thượng Nghĩa, Đặng Đề, Nguyễn Trọng Trì. Lãnh đạo các phong trào yêu nước chống Pháp tại Bình Định, Phú Yên và một số tỉnh Nam Bộ cũng là các võ nhân quê Bình Định như Võ Trứ, Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Trung Trực, Võ Duy Dương...
Trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, võ cổ truyền Bình Định đã phát huy được hiệu quả thiết thực. Thành viên các đội tự vệ Đỏ, Xích Vệ công nông cướp chính quyền năm 1945 ở Bình Định hầu hết là võ sĩ của các làng võ địa phương nơi đây. Hàng năm, có đông người ở nhiều tỉnh thành trong cả nước đã tìm về các võ đường nổi tiếng ở Bình Định để tầm sư học đạo. 
1-8-Anh-3-Vo-co-truyen-1982-1406910609.j
Vị anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung - Nguyễn Huệ và nghĩa sĩ Tây Sơn có công củng cố, phát triển võ cổ truyền Bình Định lan tỏa khắp nơi. Ảnh: Trí Tín.
Võ cổ truyền Bình Định cũng góp phần quan trọng làm cầu nối đưa các đoàn võ thuật khắp nơi trên thế giới về tham gia 5 lần Liên hoan quốc tế võ cổ truyền Việt Nam. Những giá trị độc đáo và sức sống lâu bền của võ cổ truyền Bình Định đang lan tỏa tinh hoa võ đạo ra khắp thế giới. 
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Văn hóa Thể thao & Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh, võ cổ truyền Bình Định trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm vinh dự của người dân địa phương mà còn là niềm tự hào của những người yêu thích võ cổ truyền Việt Nam trong nước và quốc tế.
"Thời gian tới, Bình Định cần tiếp tục nghiên cứu, phát huy những kết quả đạt được trong việc bảo tồn và nâng cao giá trị, vị thế của võ cổ truyền dân tộc để quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch, đóng góp thiết thực vào sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và đất nước”, Bộ trưởng nói. 
Trí Tín (VNExpress)

Đặng Tiến Danh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đặng Tiến Danh. Được tạo bởi Blogger.

Người đóng góp cho blog

Người theo dõi

Instagram