Từ đỉnh Ấn Sơn

* Trên vùng đất anh hùng và truyền thuyết:
Về với vùng đất khởi nghiệp và là quê hương Tây Sơn tam kiệt, khách hành hương tìm về ngưỡng vọng, chiêm bái những di tích in đậm dấu ấn thiêng liêng của những anh hùng áo vải, những hiệp khách thượng võ, những nữ lưu anh kiệt mà hùng tâm, tráng chí của họ đã lưu danh sử sách.

Đó là những hoàng đế, danh tướng: Quang Trung - Nguyễn Huệ, Thái Đức Nguyễn Nhạc, Đông Định vương Nguyễn Lữ, các đại đô đốc Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, các võ tướng kỳ tài Đặng Xuân Phong, Võ Đình Tú... Ngọn cờ nghĩa vang động “nhất hô thiên vạn ứng” của họ đã quy tụ thêm những bậc hiệp sĩ kiệt hiệt quanh vùng: Trần Quang Diệu, Nguyễn Văn Tuyết, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Lê Văn Hưng… làm nên kỳ tích độc nhất vô nhị: xóa bỏ thế giằng co chinh chiến hơn hai trăm năm của hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn và đánh tan tác hai thế lực ngoại xâm hùng mạnh Xiêm, Thanh, viết nên trang chói lọi nhất, bi hùng nhất trong lịch sử dân tộc.
Bên cạnh điện thờ Tây Sơn tam kiệt, mấy trăm năm qua, trên khuôn viên nhà ông Hồ Phi Phúc, thân sinh của ba vị anh hùng còn lưu lại hai di vật quý: cây me và giếng nước xưa. Ngoài lễ dâng hương trong điện thờ, khách hành hương còn nghỉ chân dưới bóng me cổ thụ hay uống nước giếng nguồn đá ong mà lắng chút bồi hồi vừa xa khuất mấy trăm năm hồi tưởng, tự hào, hàm ơn, vừa nghe miên man tiếng ve ran trong thâm nghiêm tán lá rừng hậu thế tôn tạo, mà hiểu rằng, mỗi bước chân ta đang đi trên vùng đất không chỉ là lịch sử mà còn là đất của văn hóa, của tâm linh.
Mọi thăng trầm, biến thiên dâu bể có thể làm khuất lấp, hoang phế những đền đài, thành quách nhưng núi sông sẽ còn lại và lưu truyền những huyền sử, truyền thuyết. Bến nước dòng Côn giang mênh mang khoáng đạt gần ngôi nhà Tam kiệt, còn lưu danh bến Trường Trầu, xưa ông Biện Nhạc làm nghề buôn bán với thượng nguồn và giao lưu khách thương hồ, những hào kiệt tứ xứ. Những tin tức thời cuộc, những ta thán oan khuất dân tình, những bầu nhiệt huyết tráng chí… đều được đắp bồi từ đầu mối trên bến dưới thuyền một thuở sầm uất này.
Và quanh nguồn con sông, từ những chi lưu khởi đầu hiểm trở đến cửa biển, chảy qua ngàn năm trầm tích những đế đô, vương triều, mỗi một ngọn núi đều lưu giữ những di tích, huyền sử thuở rèn quân, lập đồn trại, kho bãi của buổi đầu những người áo vải dựng nghiệp. Tất cả vừa biện chứng về quá trình hình thành một thế lực đối kháng, vừa sống động những truyền thuyết tất yếu qua những chuyện kể nhuốm màu sắc huyền hoặc, tâm linh, khi thế lực ban đầu thành một quyền lực, một vương triều chói sáng, và bất tử những bậc anh hùng mà nhân dân ngưỡng vọng, tự hào, yêu kính. Những tên núi xưa như Bà Phù, Đồng Phong, Hinh Hốt, núi Ngang, Trưng Sơn, Hợi Sơn, Hòn Một, Hòn Giải… thành các tên mới: hòn Tâm Phúc, hòn Lãnh Lương, Hiển Hách, Hoành Sơn, Bút Sơn, Nghiên Sơn, Cổ Sơn, Chung Sơn, Kiếm Sơn. Rồi núi Ông Bình, Ông Nhạc nữa… Nơi gắn với chuyện chủ tớ nghĩa sĩ vui vầy, nơi quy tụ cấp phát lương thực, nơi chinh phục ngựa trời, nơi nhận ấn trời, kiếm trời…, tất cả vùng núi non trùng điệp, hùng hiểm, vừa hiển lộ hình thế kỳ vĩ vừa ẩn chứa một làn sương huyền tích ngân vọng trong lòng dân.
*Từ đỉnh Ấn Sơn hôm nay:
Núi Ấn, tức là Cổ Sơn (hòn Trống, nằm song song với hòn Chuông - Chinh Sơn), trong quần thể Hoành Sơn, là một bộ phận quan trọng của hệ thống các “linh sơn” gắn với thời khởi nghiệp Tây Sơn Tam kiệt. Hoành Sơn là nơi có truyền thuyết về một thầy địa lý người Tàu, vị khách thương quen thân Nguyễn Nhạc, nhìn thấy thế núi có địa cuộc lớn, kỳ công tìm nơi long mạch để chuyển cốt tiền nhân qua táng, Nguyễn Nhạc đã mưu trí lừa chiếm được huyệt “đại phát” và cải táng thân sinh Hồ Phi Phúc ở đó. Dù chỉ là cách người đời nghĩ về đại nghiệp hiển hách của nhà Tây Sơn, nhưng như mạch ngầm huyền diệu tôn kính và thiêng liêng, cái dòng chảy tâm linh này cứ lưu truyền, cứ tồn tại một cách tôn vinh riêng trong tâm thức cộng đồng, nhất là nơi phát tích những bậc vĩ nhân, thánh hiền.
Trong niềm kính ngưỡng chung ấy của người dân, được sự thống nhất chủ trương của lãnh đạo tỉnh và sự khởi xướng của Ngân hàng CP Thương mại Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cuộc vận động các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng vùng văn hóa tâm linh Đàn tế Trời Đất tại núi Ấn linh thiêng, được khởi công xây dựng vào ngày 26-11-2011. Đến kỷ niệm ngày mất 220 năm của hoàng đế Quang Trung, 14-9-2012, công trình cơ bản hoàn thành và làm lễ khai hương. Đến nay, các hạng mục còn lại tiếp tục được khẩn trương hoàn thiện.
Quần thể công trình gồm 3 hạng mục chính: Khu Đàn tế, Khu Đền Ấn, Khu Ban quản lý và các mục khác tại núi Ấn, có diện tích đến 28,3 ha. Khu Đàn tế nằm trên đỉnh núi Ấn gồm 3 cấp (tượng trưng Thiên - Địa - Nhân) với diện tích khá bề thế 90m x 90m, 54m x 54m và trên cùng là cấp hình tròn đường kính 27m, nơi đặt sập đá, hương án và bát hương. Quanh khu Đàn tế có các hạng mục Nghi môn, Bình phong, Nhà Bắc thu công, Nhà chiêng - nhà trống, Rùa đá, Trụ cờ… Các kiến trúc chủ yếu là xi măng cốt thép và các loại đá được chạm khắc tinh xảo. Khu Đền ấn nằm phía dưới bên phải Đàn tế gồm 3 hạng mục theo kiểu chữ tam: Tiền tế, Phương đình, Hậu cung. Cụm này còn có Cổng vào Đền ấn, Miếu thờ Sơn thần. Đối xứng với Đền Ấn, phía trái Đàn tế là Tháp Báo thiên 7 tầng. Khu Ban quản lý và các mục khác nằm thấp nhất, tiếp giáp đường giao thông gồm có các hạng mục: Nhà Ban quản lý, Đường hành lễ, Cổng đón, Cầu đá, Sân luyện võ, Hồ bán nguyệt, 3 chòi nghỉ…
Có thể thấy việc tạo lập quần thể công trình có ý nghĩa văn hóa tâm linh - Đàn tế Trời Đất đã được sự tư vấn chu đáo của các nhà sử học, phong thủy. Kiến trúc cơ bản bằng vật liệu bê tông cốt thép và các loại đá là một ước vọng công trình có giá trị lâu dài, cho hôm nay và con cháu mai sau.
Chúng tôi tìm về Đàn tế Trời Đất trong một ngày cuối năm bảng lảng sương khói để tự mình, từ tâm thế hành hương về vùng đất anh hùng, tìm kiếm một ý nghĩa đích thực của một địa chỉ đang được chuẩn bị bổ sung cho các hành trình hướng đến nguồn cội tương lai. Chúng tôi rủ nhà thơ Phú Phong bản địa Trần Viết Dũng cùng đi và sự am hiểu của anh về quê hương mình từng con sông, ngọn núi đã giúp chúng tôi nhanh chóng hòa vào ý nghĩa của khu đền đài.
Đi qua các Khu Ban quản lý, Khu Đền Ấn, tháp Báo Thiên, lên 182 bậc cấp và các sân nghỉ là đến mặt bằng Đàn tế. Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi là các hạng mục được thiết kế, xây dựng đẹp, nghiêm cẩn. Từ Khu Đàn tế lộng gió nhìn ba bề bốn bên thấy những ngọn núi từ lâu đọc trong các sử sách hiện ra trước mắt thật nhiều cảm xúc. Đâu đó phía Tây - Nam cuối dãy Hoành Sơn trải dài là khu mộ ông Hồ Phi Phúc? Xa xa kia là núi Kiếm, nơi tìm thấy kiếm trời? Còn trên dãy Ấn sơn này nơi khe đá nào thấy ấn? Trong tầm mắt nhìn, thấy uy nghi phía Bắc ngọn Bút Sơn, thấp nhỏ sát dãy Hoành là Chung Sơn, phía trước, đối diện với Khu Đàn tế là Nghiên Sơn hùng vĩ. Xa mờ phía Bắc là ẩn hiện dòng sông Côn gồm thâu mọi nguồn sông suối ào ạt về xuôi mùa thác lũ. Xa nữa khuất tầm là các núi Ông Bình, Ông Nhạc, là trập trùng mây núi thượng du lam chướng, nơi xưa kia là căn cứ Tây Sơn thượng đạo buổi đầu nuôi quân rèn vũ khí, nơi những bộ tộc anh em Xê đăng, Ba na… từng hết lòng tham gia nghĩa quân, cung cấp voi ngựa và một tinh thần chiến đấu gan lì, quả cảm.
Câu chuyện của chúng tôi cứ hiện dần lên tên người, tên núi, hiện dần lên một thuở hào hùng, bi tráng của những anh hùng, những nông dân thời loạn luyện rèn côn, kiếm trên dưới một lòng, và những bàn chân của núi đồi, đồng ruộng ấy đã bước vào các cuộc trường chinh ra Bắc vô Nam lừng lẫy. Ở Bảo tàng Lịch sử thành phố Hồ Chí Minh có trưng bày các hiện vật tìm thấy ở Tiền Giang, những thanh kiếm của nghĩa quân Tây Sơn và kiếm quân Xiêm. Nhìn thanh kiếm Xiêm nước thép còn đẹp, chuôi kiếm, đốc kiếm dài, chắc, một thứ vũ khí cao cấp nếu so với các thanh kiến ngắn rỉ sét, vì hẳn rèn vội của đạo quân nhà nghèo nông dân, mà vừa thương vừa tự hào. Thương người nghĩa sĩ Tây Sơn lấy lòng dũng cảm và võ nghệ mà chiến đấu với kẻ thù giàu có, trang bị tốt hơn hẳn, và cũng tự hào với những chiến tích lẫy lừng đạo quân này làm được suốt mấy chục năm trường chinh với khát vọng no ấm và độc lập dân tộc…
Chúng tôi hình dung thời gian sau, những hàng cây sao xanh quanh khuôn viên thành cổ thụ, cây trải bóng lá tháng năm trong tiếng gió thời gian rì rào cùng những lắng lòng tưởng vọng tiền nhân. Một không gian đầy cảm xúc cho những người biết tin yêu, biết tự hào nguồn cội. Đi dạo quanh bốn mặt cửa khu Đàn tế, ngắm nhìn từng họa tiết công phu trên các tấm bình phong, rồng đá, lân đá…, chúng tôi chợt nhận ra chiều xuống tự bao giờ.
*Đến ngày mai:
Trước mắt, cùng với Bảo tàng và các di tích Điện thờ Tây Sơn Tam kiệt, đền thờ Gò Lăng, đền thờ Đô đốc Bùi Thị Xuân, lăng Mai Xuân Thưởng…, Đàn tế Trời Đất góp thêm một điểm đến tham quan, chiêm bái cho du khách, người hành hương tìm về vùng đất những anh hùng.
Nhưng, như đã nói, Đàn tế Trời Đất là tấm lòng của người hôm nay kính ngưỡng tiền nhân và cũng trân trọng dành ước vọng thờ kính tổ tiên đến các thế hệ mai sau. Một địa chỉ văn hóa, tâm linh chỉ thực sự có ý nghĩa nếu biết hành xử đúng nghĩa từ bảo tồn đến chuyển tải những giá trị mà công trình kỳ vọng. Ở đây, bảo tồn cũng có nghĩa là biết chuyển tải đúng ý nghĩa giá trị lịch sử di tích. Mọi kiến trúc bài bản quanh khu Đàn tế chỉ là phần “cứng”, chính phần “mềm” nuôi dưỡng tâm hồn người ở những người quản lý, ở những hướng dẫn viên am hiểu lịch sử và các huyền tích trên từng sông núi chung quanh. Còn nhiều việc phải làm dù một thời gian ngắn nữa công trình xây dựng sẽ hoàn thành.
Hàng năm nhiều trường học trong và ngoài tỉnh đưa học sinh về Bảo tàng Quang Trung, rất cần kết hợp đến với quần thể Đàn tế Trời Đất để các em có thể có những hiểu biết vừa bao quát hơn vừa cụ thể hơn về bóng dáng của cha ông trong sử sách. Nuôi dưỡng niềm yêu kính, tự hào về tiền nhân cũng là nhen lên ngọn lửa khao khát vươn lên những ước vọng cao đẹp. Và như vậy, nén hương tưởng vọng sẽ gặp sự mãn nguyện của anh linh các bậc tiền nhân trong miên man không bao giờ lụi tắt cái mạch ngầm thiêng liêng và căn cốt làm nên sự trường cửu một dân tộc.

Đặng Tiến Danh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đặng Tiến Danh. Được tạo bởi Blogger.

Người đóng góp cho blog

Người theo dõi

Instagram