Vị trí: Thuộc xã đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 28km về phía đông nam.
Đặc điểm: Một không gian xanh bất tận của biển, trời và đảo. Đó chính là Cù Lao Xanh, món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Bình Định.
Bạn muốn thực hiện một chuyến du lịch biển đảo? Bạn muốn lạc vào một chốn hoang sơ thi vị? Hãy mang balô và đi thuyền từ bến Hàm Tử khoảng gần 2 giờ, bạn sẽ đến Cù Lao Xanh, đến để hòa mình vào thiên nhiên và khám phá nhiều điều thú vị khác…
Đặc điểm: Một không gian xanh bất tận của biển, trời và đảo. Đó chính là Cù Lao Xanh, món quà vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân Bình Định.
Bạn muốn thực hiện một chuyến du lịch biển đảo? Bạn muốn lạc vào một chốn hoang sơ thi vị? Hãy mang balô và đi thuyền từ bến Hàm Tử khoảng gần 2 giờ, bạn sẽ đến Cù Lao Xanh, đến để hòa mình vào thiên nhiên và khám phá nhiều điều thú vị khác…
Toàn cảnh Cù Lao Xanh
Ra đến cửa Thị Nại, bạn không thể không ngước mắt chiêm ngưỡng tượng đài Đức Thánh Trần và ngọn hải đăng Phước Mai. Hải đăng này được người Pháp xây dựng cách đây hơn 100 năm, cao 8m tính từ mặt đất và 52m so với mặt nước biển; như một tín hiệu mời chào và tạm biệt tàu thuyền cùng mọi người ra vào thành phố. Và sau gần 2 giờ lênh đênh trên biển, chúng tôi cũng đã đặt chân lên mảnh đất “đầu sóng ngọn gió” này.
Nơi chúng tôi chọn làm điểm đến đầu tiên cho hành trình này đó chính là trạm hải đăng Cù Lao Xanh được xây dựng song song với hải đăng Cù Lao Xanh. Tòa nhà này là 1 công trình khá độc đáo gồm 2 tầng, rộng 10m, dài 40m, có 16 phòng trước đây là khu nhà nghỉ của viên quan Pháp, nay được dùng làm trạm hải đăng; phía sau gian nhà là ngọn hải đăng (được người Pháp xây dựng năm 1890 và đặt tên là Plogam Bir) cao 19m trên đỉnh một ngọn núi ở độ cao 120m. Hơn 100 năm qua, ngọn hải đăng này vẫn là người bạn thủy chung của những đoàn thuyền đánh cá từ mọi miền đất nước qua đây. Ánh sáng từ ngọn hải đăng trên Cù Lao Xanh đã là niềm tin và hy vọng của bao ngư dân trong những đêm bão biển. Hải đăng Cù Lao Xanh là sự hòa quyện tuyệt diệu giữa hai phong cách kiến trúc gô-tích của phương Tây và kiến trúc phương Ðông. Ngọn hải đăng Cù Lao Xanh sừng sững hiên ngang giữa biển khơi là biểu tượng đẹp đẽ nhất thể hiện tinh thần chịu thương chịu khó, bền bỉ của người dân Cù Lao Xanh quanh năm sống chung với sóng gió biển khơi.
Đứng từ trên đỉnh núi dưới chân ngọn hải đăng nhìn xuống, Cù Lao Xanh đẹp như một bức tranh với màu xanh chủ đạo trải dài từ những ngọn dừa đong đưa trong gió, lan tỏa trên những cây bàng non chạy dọc bờ biển và ngút ngát trên mặt biển mênh mang bất tận. Bãi trước là cát trắng nhìn vào đất liền, nơi cư dân trên đảo sinh sống. Còn bãi sau toàn đá là… đá. Những tảng đá khổng lồ xếp chồng lên nhau quanh năm chống chọi với gió hú và sóng gầm. Xa xa là bọt sóng và bụi nước tung lên trắng xoá cả một vùng trời biển. Từ ngọn hải đăng, chúng tôi đi men xuống theo hướng tây bắc là suối Giếng Tiên. Tên suối xuất phát từ một truyền thuyết kể rằng, xưa kia vào những đêm trăng sáng các nàng tiên trên trời hay xuống suối để du ngoạn, tắm mát và vui đùa rồi mới bay trở về trời. Có dịp tới đây, du khách hãy một lần đến tắm ở suối để cảm nhận được vị ngọt tinh khiết của nước suối và hương vị mặn mòi của biển cả phảng phất trong không khí.
Rời suối Giếng Tiên, chúng tôi xuống chân núi và men theo một con đường dài chừng 3km trải đầy hoa dại hai bên để đến phía bắc của Cù Lao Xanh. Đến đây, ngắm nhìn những hòn đá đủ hình thù, dõi mắt theo đôi chân nhảy nhót của những chú chim biển… chúng tôi như thực sự tan biến vào thiên nhiên tươi đẹp. Tại đây còn có một bãi cát nhỏ rùa biển thường lên đào ổ đẻ trứng và nếu may mắn, du khách sẽ có cơ hội nhìn thấy đàn rùa con bò trên bờ cát để về với biển. Du khách nhớ đem theo cần câu để khi mỏi chân, hãy ngồi nghỉ bên ghềnh đá và buông cần câu cá hay lội nước bắt một ít ốc vú nàng. Kiếm củi rừng, nướng ngay tại chỗ… là du khách sẽ có những giây phút thư giãn vô cùng sảng khoái bên bạn bè và người thân.
Đến giữa trưa, chúng tôi quay trở lại với làng chài và được những người dân nơi đây chiêu đãi bữa cơm đạm bạc của xứ đảo với những món ăn tươi ngon vừa được đánh bắt. Sau bữa trưa, những người dân nơi đây đã hướng dẫn cho chúng tôi ra dọc bãi Nam ngay trước làng chài để ngắm san hô. Tuy nằm gần kề làng chài đông đúc dân cư sinh sống nhưng rặng san hô ở đây vẫn còn rất nguyên sơ, không cần lặn sâu như những nơi khác cũng vẫn thấy được sự đa dạng, phong phú về chủng loại cũng như màu sắc tuyệt đẹp của chúng.
Chiều về, chúng tôi ngồi ngắm hoàng hôn trên cầu cảng và thực sự ngây ngất trước cảnh những người dân đảo ngồi vá lưới nói chuyện bên bờ biển, những em nhỏ hồn nhiên nô đùa, giỡn sóng, và những chiếc thuyền đánh cá dập dềnh xa xa trong một buổi chiều bình yên chín đỏ.
Kết thúc một ngày khám phá biển đảo, chúng tôi lên thuyền trở về với nhịp sống hối hả của thành phố biển Quy Nhơn nhưng trong lòng vẫn bịn rịn không hết luyến tiếc, và trong tôi nghe văng vẳng đâu đây câu nói “Đi là để yêu, yêu con người, yêu quê hương và yêu chính cả bản thân mình nữa”... Nếu một lần ghé thăm “miền đất Võ”, du khách hãy một lần ghé thăm nơi đây để khám phá, hòa mình vào trời xanh, biển xanh và một Cù lao Xanh./
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét