Quần thể núi Bà có trên sáu mươi ngọn cao thấp khác nhau, nằm địa phận huyện Phù Cát, phía Nam đầm Đạm Thủy cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30km về hướng bắc. Trông từ xa, quần thể núi Bà trùng trùng điệp điệp như thể liền mạch, kết khối nhưng tới gần thì xen giữa các sơn khối nhấp nhô là những thung lũng cây cối tốt tươi, bốn mùa đựơc tưới mát bởi hàng chục khe, suối từ trong nguồn chảy ra.
Chùa Linh Phong
Núi Bà uy nghi, huyền diệu với bao điều kì bí mà mỗi nơi chốn, mỗi cái tên đều có một sự tích, đặc biệt là các sự tích về hòn Vọng Phu ở thôn Chánh Oai, trên một ngọn núi cao với hai khối đá, một cao một thấp tựa hình người phụ nữ dắt con, đứng nhìn đăm đăm ra biển, ngóng đợi chồng từ những cánh buồm thấp thoáng ngoài khơi xa với niềm tin và lòng thủy chung son sắc; hòn Chuông (Chung sơn) ở đỉnh cao nhất phía tây trông xa như hình một quả chuông úp và ngôi chùa Linh Phong (tên dân gian còn gọi là chùa Ông Núi) nổi tiếng linh thiêng được xây dựng vào cuối thế kỷ XVIII trên lưng chừng núi, giữa một vùng mây nước, hang động huyền ảo. Cứ vào ngày 24 – 25 âm lịch hàng năm hàng vạn du khách mọi miền về đây để trẩy hội chùa Ông Núi và nguyện cầu một năm mới yên vui và hạnh phúc.
Đến Núi Bà, ngoài việc thưởng lãm và khám phá cảnh quan thiên nhiên đẹp kỳ thú mà hiếm nơi nào có được du khách sẽ được tham quan di tích lịch sử nổi tiếng Bình Định. Núi Bà đã chứng kiến tất cả những bước thăng trầm của lịch sử quê hương, còn đó những phế tích cổ kính, những dấu ấn đậm nét của phong trào Tây Sơn quật khởi và đặc biệt là chứng tích căn cứ cách mạng quan trọng trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét